Góp sức đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

Chủ nhật - 27/05/2018 22:21
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Quảng Nam đã thu được không ít kết quả. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chưa mặn mà với hàng Việt. Tại sao hàng Việt chưa chiếm được ưu thế vượt trội trong thị hiếu tiêu dùng của người Việt? Làm cách gì để thay đổi được thực tế đó? Theo nhiều ý kiến, vấn đề căn cốt là hàng Việt phải nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cần các giải pháp đồng bộ để lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu. TRONG ẢNH: 90% hàng hóa ở Co.op Mart Tam Kỳ là hàng Việt.Ảnh: QUANG VIỆT
Cần các giải pháp đồng bộ để lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu. TRONG ẢNH: 90% hàng hóa ở Co.op Mart Tam Kỳ là hàng Việt. Ảnh: QUANG VIỆT

NGƯỜI VIỆT CHƯA CHUỘNG HÀNG VIỆT

Các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn và miền núi - một trong những chương trình trọng điểm của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bộc lộ bất cập cả về phía hàng hóa lẫn ý thức gắn bó với hàng Việt của người tiêu dùng.

Đến chợ xem hội

Sau khi kết thúc phiên chợ hàng Việt ở huyện Nông Sơn, Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam (Sở Công Thương) đã tổ chức phiên chợ hàng Việt tiếp theo ở huyện Phước Sơn với quy mô 20 gian hàng tại sân vận động thị trấn Khâm Đức trong 3 ngày 28, 29 và 30.7. Nhiều loại sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm, dệt may, da giày, bánh kẹo, đồ uống, các sản phẩm làng nghề của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đến gần với người tiêu dùng miền núi. Điều này cho thấy sự nỗ lực của ban tổ chức cũng như hưởng ứng của các doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sức lan tỏa của hàng Việt vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều người dân trên địa bàn huyện Phước Sơn rủ nhau đến phiên chợ để tham quan là chính, còn doanh nghiệp thì “bấm bụng” cho rằng, quảng bá sản phẩm là đáng quý rồi. Ở phiên chợ này, chúng tôi nhận thấy sự lặp lại của nhiều doanh nghiệp tham gia phiên chợ Việt lần trước ở huyện Nông Sơn. “Nói thật là chuyến đi không đạt về mặt thương mại nhưng chúng tôi thấy người dân dù không mua hàng vẫn thích thú với các sản phẩm của các làng nghề thủ công ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Điều đó cho thấy mục đích giới thiệu, chào hàng các sản phẩm đặc trưng của vùng đất chúng tôi được hưởng ứng... tương đối nhiệt tình” - ông Nguyễn Văn Toản - chủ doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thuộc da ở huyện Phú Xuyên tham gia phiên chợ, nói.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng tham gia phiên chợ hàng Việt để quảng bá sản phẩm là chính. Ảnh: QUANG VIỆT
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng tham gia phiên chợ hàng Việt để quảng bá sản phẩm là chính. Ảnh: QUANG VIỆT

Vẫn như mọi khi, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại các huyện miền núi Quảng Nam đến thời điểm này vẫn chủ yếu là tạo nên những “ngày hội quảng bá”. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, người dân các xã Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc (Phước Sơn) đã không ngại đường sá xa xôi đến với phiên chợ hàng Việt. Vợ chồng anh Hồ Văn Đôi (khu tái định cư thôn 4A, xã Phước Thành) chở theo con nhỏ, vừa đến phiên chợ đã dắt díu nhau đi khắp các quầy hàng, ngắm nghía rất kỹ nhưng… không mua sắm gì. Anh Đôi nói: “Nghe nói có phiên chợ, chắc đông vui lắm nên chúng tôi đến xem thử. Hàng hóa ở đây không có mẫu mã đẹp, thu hút thì chắc chất lượng cũng không đặc biệt lắm. Thôi, gia đình xem tí rồi về, đường sá xa xôi mà mùa này lại mưa nữa nên tranh thủ”. Đã là lần thứ 2 có mặt ở phiên chợ hàng Việt nơi vùng núi Quảng Nam, sau khi tham gia ở Nông Sơn, bà Trần Thị Lệ (30 Phan Đình Phùng, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) - chủ doanh nghiệp kinh doanh quần ảo trẻ em - không giấu được vẻ thất vọng. Bà Lệ chia sẻ, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu, qua đó mở rộng mạng lưới phân phối, bán lẻ. Nhưng điều đáng nói là người dân đến phiên chợ chỉ để xem hội cho vui chứ không quan tâm mua sắm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt ở miền núi Quảng Nam có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Họ đến với phiên chợ hàng Việt với vẻ “cam chịu” của người đi chào hàng, bán hàng, còn bán được đến đâu thì hay đến đó.

Nhiều cái khó

Các phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại các huyện miền núi Quảng Nam đến thời điểm này đều thuộc chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt do Trung ương phân cấp với nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng. Với chừng đó kinh phí, đơn vị tổ chức đã hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp tham gia phiên chợ, miễn phí hoàn toàn tiền thuê mặt bằng bán hàng. Ban tổ chức đã trực tiếp liên hệ đến các địa phương miền núi, xúc tiến thương mại, thuê mặt bằng, ký hợp đồng với đơn vị tổ chức sự kiện và đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, vệ sinh sân bãi, bảo vệ... để mở phiên chợ. Kinh phí ít ỏi, hỗ trợ chưa tương xứng đã khiến cho nhiều doanh nghiệp tham gia phải gánh thêm đủ thứ tốn kém, từ vận chuyển hàng hóa, cho đến chỗ nghỉ ngơi, ăn uống và các khoản lặt vặt khác. Một chủ doanh nghiệp tham gia phiên chợ cho rằng, xét cho cùng đến phiên chợ là để kinh doanh hàng hóa. Thế nhưng sức mua của người dân không cao, bị lỗ đến hàng chục triệu đồng khiến cho con đường đưa hàng Việt đến người tiêu dùng ở các vùng  xa càng thêm gập ghềnh.

Cả hai phiên chợ hàng Việt ở vùng cao đến thời điểm này đều mang tính mùa vụ. Đó có thể là kết quả từ việc ban tổ chức nhận diện không ít khó khăn khi triển khai phiên chợ hàng Việt. Bởi, mở phiên chợ sau tết thì không ai mua, tổ chức cuối năm thì cập rập còn tổ chức thời điểm nông nhàn như vào tháng 7 vừa qua thì thời tiết không ủng hộ. Tại sao hầu hết doanh nghiệp tham gia phiên chợ Việt ở vùng cao đều nhỏ lẻ? Không khó để trả lời, doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường nên tìm đến các phiên chợ để bán hàng, xả các mặt hàng tồn lâu ngày. Họ đến còn vì giới thiệu, quảng bá để mở rộng thị trường vốn eo hẹp thiếu cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn không tham gia vì có phân khúc rộng lớn trên thị trường lại có cách quảng bá, chào hàng riêng thông qua các kênh thông tin tiêu dùng lớn, thu hút người mua hơn. Bà Nguyễn Thị Bích Hường - chuyên viên Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn hiến kế, nên tạo sự thu hút của các phiên chợ hàng Việt bằng cách mở rộng quy mô khi kết hợp với các buổi biểu diễn văn nghệ thu hút nhiều tầng lớp nhân dân. Cũng nên tăng quy mô các gian hàng, tạo sự đa dạng hàng hóa, phong phú mẫu mã và khuyến mãi cao.

ĐÒI HỎI CHẤT LƯỢNG CAO

Doanh nghiệp cần đặt chất lượng sản phẩm hàng hóa lên hàng đầu, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Người dân chọn mua hàng Việt ở phiên chợ vùng cao.Ảnh: QUANG VIỆT
Người dân chọn mua hàng Việt ở phiên chợ vùng cao.Ảnh: QUANG VIỆT

Chọn hàng ngoại

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khởi điểm năm 2009, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Hàng ngoại vẫn áp đảo, chiếm ưu thế trong chọn lựa của khách hàng người Việt. Không khó để nhận thấy, các mặt hàng điện lạnh, máy tính, tivi, điện thoại xuất xứ từ nước ngoài là ưu tiên mua sắm của người Việt. Trong xu hướng cạnh tranh của thị trường, hàng hóa nào có ưu thế thì tất chiếm hữu thị phần. Rất dễ nhận ra, trên thị trường Việt hiện nay lưu hành không ít hàng nhái, hàng giả, hàng rởm, kém chất lượng gây thiệt hại lớn nên người Việt lơ là hàng Việt. Ở chiều hướng ngược lại, một số hãng nước ngoài vừa có ưu thế chất lượng hàng hóa vừa nắm thế mạnh quảng cáo nên khách hàng trong nước khó cưỡng được sức hấp dẫn vượt trội của sản phẩm nhập khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, để sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng Việt dễ dàng thì doanh nghiệp trong nước cần tôn trọng các quy tắc và tiêu chuẩn hàng hóa. Sản phẩm cần có bao bì mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thể hiện rõ chất lượng, tính năng cạnh tranh của sản phẩm. Các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trong nước để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với hàng ngoại nhập.

Tại sao người Việt chuộng hàng ngoại, là câu hỏi chưa bao giờ cũ. Nguyên nhân là nhiều loại hàng Việt chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập khá trở lên. Một yếu tố nữa là tâm lý của người tiêu dùng dao động, các sản phẩm trong nước ít chào hàng rầm rộ so với hàng ngoại. Rõ ràng, đã đến lúc, các nhà bán lẻ, các hãng phân phối hàng Việt cần có cách giới thiệu sâu rộng hàng Việt, qua đó hướng dẫn, định hướng người tiêu dùng chuộng hàng trong nước. Theo Sở Công Thương, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, lan tỏa thì cần phải phát huy đồng bộ vai trò của 3 chủ thể: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước thiết lập một môi trường cạnh tranh hàng hóa lành mạnh; doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; còn người tiêu dùng cần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ khi mua và sử dụng hàng hóa như yêu cầu hóa đơn, nguồn gốc, chứng từ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để chống hàng giả, hàng rởm, hàng lậu, bảo vệ hàng Việt Nam chân chính. Trong điều kiện hội nhập, hàng hóa cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt được cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm so với hàng hóa từ bên ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Khó có thể chỉ hô hào người Việt dùng hàng Việt mà doanh nghiệp trong nước đánh mất lợi thế cạnh tranh trước hàng nhập khẩu.

Doanh nghiệp tự vận động

Dù nguồn nguyên liệu cá cơm có dồi dào hay khan hiếm thì làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) vẫn sôi động các công đoạn sản xuất nước mắm truyền thống. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiền (thôn 6, xã Bình Dương) lập ra doanh nghiệp sản xuất nước mắm Hai Hiền. Theo bà Hiền, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của mình. Do đó, cơ sở luôn cố gắng nâng cao chất lượng nước mắm để sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng; chuyển đổi phương thức sản xuất, hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa. “Tôi luôn nỗ lực để đưa hàng hóa vào siêu thị. Thông qua nhiều kênh tuyên truyền, sản phẩm cũng đã bước đầu được đón nhận ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để thị hiếu dùng nước mắm Hai Hiền ăn sâu dần vào thói quen của người tiêu dùng thì chúng tôi bắt buộc phải luôn luôn cải thiện chất lượng sản phẩm” - bà Hiền nói. Theo bà, người làm mắm ở đây luôn tâm niệm, chỉ cần sơ suất nhỏ là ảnh hưởng xấu đến thương hiệu chung nên ai cũng kỹ càng từng chi tiết, từng công đoạn làm mắm truyền thống. Vì vậy, nước mắm Cửa Khe ngày càng được khách hàng gửi gắm niềm tin.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, chất lượng hàng Việt được người tiêu dùng ưu tiên ở vị trí đầu tiên (chiếm 27%) sau đó đến uy tín của nhà sản xuất (22%), thương hiệu doanh nghiệp đứng hàng thứ 3 (chiếm 14%) còn giá cả chỉ là thứ yếu (chỉ chiếm 13%). Điều đó cho thấy rằng, nâng cao chất lượng là phương thức tối cần để hàng Việt được người Việt lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thôn Ngã Ba, thị trấn Prao, Đông Giang) - chủ cơ sở sản xuất Hoàng Oanh, chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng truyền thống của địa phương cho rằng, để tồn tại thì doanh nghiệp bắt buộc phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu nổi bật và không phân biệt, bỏ lỡ kênh phân phối nào, từ truyền thống là chợ hay hiện đại như siêu thị. Thương hiệu ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, nếu doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức thì hàng hóa của họ gặp khó trong lựa chọn của người tiêu dùng” - bà Oanh nói. Cũng theo bà Oanh, khi hàng hóa đã được doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, cùng sự ủng hộ của người tiêu dùng và sự đồng hành của các hiệp hội.

TẠO CÚ HÍCH

Từ những phân tích hạn chế của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi cũng như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các ngành chức năng của tỉnh đã đề xuất những giải pháp, kiến nghị với trung ương, tạo cú hích nhằm nâng cao vị thế hàng Việt với người tiêu dùng trong thời gian đến.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại Quảng Nam: Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi ở một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Lý do là một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến thị trường khu vực nông thôn và miền núi, chưa xem đây là thị trường mục tiêu, thêm vào đó là sức mua của người dân chưa cao, địa bàn đi lại khó khăn, dẫn đến hạn chế hàng hóa tham gia phiên chợ chưa được phong phú, đa dạng.

Trong thời gian đến Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về các phiên chợ, về chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu… để vận động doanh nghiệp tham gia và thu hút người dân đến tham quan, mua sắm. Chúng tôi vận động và lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, với các loại hàng hóa đa dạng, phong phú mẫu mã, giá cả phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân. Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ kinh phí, đẩy mạnh các hoạt động như “Kết nối cung cầu”, “Tự hào hàng Việt” đến tận cơ sở, nhằm tạo sự kết nối giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bộ Công Thương cũng cần có giải pháp để thúc đẩy sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước để mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, tác động có hiệu quả đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương): Cần bổ sung kinh phí, giúp cấp huyện chung tay triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Quảng Nam có vùng núi rất rộng, hạ tầng giao thông còn hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng, giá cả hợp lý còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu lớn, chưa thể tham gia hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn. Các làng nghề lại đang đối diện với nhiều khó khăn. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ thường chọn sản phẩm có thương hiệu, mẫu mã đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề vẫn chưa thể chen chân vào thị trường này. Sở Công Thương đề xuất Chính phủ cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Nhà nước cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại tại khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa. Hiện nay cấp huyện chưa được cấp kinh phí để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vì vậy rất mong Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ bổ sung kinh phí cho cấp huyện để thực hiện cuộc vận động thông suốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Trưởng ban Tuyên giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh): Nỗ lực đưa cuộc vận động vào chiều sâu

Cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các cơ quan, đoàn thể cần hỗ trợ nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế cạnh tranh lớn. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá để cuộc vận động thật sự trở thành phong trào yêu chuộng hàng Việt rộng khắp, từ đó tạo được tâm lý ưu tiên trong tiêu dùng của người Việt Nam đối với hàng trong nước. Ngành công thương cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động bình ổn giá, tổ chức “Tuần lễ vàng” khuyến mãi, giảm giá sản phẩm tại các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ: Góp sức đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng

Trong nhiều năm qua, Co.opMart Tam Kỳ đã đưa các mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gồm đồ dùng học tập, bánh kẹo, áo quần thời trang, các sản phẩm đặc trưng của địa phương, hàng mỹ phẩm... tham gia các phiên chợ Việt ở nông thôn và miền núi. Đây thực sự là là cơ hội để doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, hiểu thêm nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, chúng tôi mở rộng kênh phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nội địa, góp phần thỏa mãn nhu cầu mua sắm của nhân dân. Hiện tại, Co.opMart Tam Kỳ có đến hơn 90% hàng hóa là hàng Việt chất lượng. Đó là cách để chúng tôi hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham gia cuộc vận động này, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước được nâng cao vị thế, ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm tạo điều kiện tốt nhất để sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh được đưa vào bán ở siêu thị. Hàng nước mắm Cửa Khe (Bình Dương) đã khẳng định được ưu thế, người tiêu dùng đón nhận, mua nhiều. Chúng tôi cũng sẽ nhận hàng dầu phụng tinh chế của Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang vào bán trong nay mai. Nhìn xa hơn, cơ hội vào kinh doanh ở siêu thị rộng mở đối với tất cả hàng hóa của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.


 

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG VIỆT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

DU LICH
Văn bản mới

3577 /QĐ-UBND

Quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1347 | lượt tải:343

quy chế 17

QUY CHẾ Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 12/06/2018

lượt xem: 1487 | lượt tải:349

17 /2015/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1658 | lượt tải:372

39 /2014/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công, quy định mức ngân sách hỗ trợ và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1471 | lượt tải:339

38 /2014/QĐ-UBND

Quy định danh mục nghề và định mức kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1582 | lượt tải:376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây