Về với Phước Sơn…

Chủ nhật - 27/05/2018 22:06
Theo đường Hồ Chí Minh lượn quanh những sườn núi thẳm, chúng tôi đến Phước Sơn vào một ngày đầu thu. Phước Sơn - cái tên chỉ thoạt nghe đã thấy có bóng núi rùng thấp thoáng trong miền tưởng tượng. Nhìn lên phía núi, những khu rừng nguyên sinh vẫn giữ được vẻ hoang sơ và bí ẩn của đại ngàn như muôn thuở trước.

                                                        Tượng đài chiến thắng Khâm Đức (Phước Sơn).
Đặt chân lên xã Phước Mỹ khi chiều đang dát lên ngọn Đắc Mun những thảm nắng cuối ngày- những thảm nắng vàng rực đến nao lòng. Núi nơi nào cũng thế - lặng lẽ và duyên dáng; gần gũi mà trầm tư. Muốn hát lên một câu, hát vỡ lồng ngực chào núi chào mây mà không thể cất lời. Mới hay lòng vẫn còn nhiều đa cảm và không thôi nghẹn ngào trước cái đẹp, cái thiêng.

Những ngôi nhà nhỏ tựa vào núi, nối nhau san sát, thoạt trông như một đoàn tàu dài men dọc trên đường mòn Hồ Chí Minh. Và những người gặp đầu tiên là các cô gái Bh’noong (thuộc nhóm Giẻ Triêng). Thấy khách lạ, các cô nép mình sau khung cửa, rồi lại tò mò nghiêng ngó, cười khúc khích.
Vào bản, những căn nhà dựa vào nhau, dựa vào núi và cùng hướng về con đường vừa mở. Đường Hồ Chí Minh, những người ở đây vẫn vậy - nghèo mà vui, mà hồn hậu như thuở ban sơ.
Đến với núi vào dịp con trăng vừa tròn. Trăng làm cho tiếng của con chim bắt cô trói cột huyễn hoặc hơn và thêm phần sâu thẳm, lẻ loi. Không sao, lửa đã đốt lên! Chén rượu "mồ hôi" - một loại rượu tuyệt vời không đựng trong ché mà được chắt cất giữ vào hũ quý để dành mời khách phương xa. Nâng chén rượu, ngọt lừ ở cổ - vị ngọt của rượu và của tình người. Chếnh choáng say, cơn say do những giọt rượu nhảy nhót trong lòng và ánh lửa đung đưa trong mắt các cô gái miền sơn cước.
 - Uống đi cán bộ, uống cho say. Có say mới biết lòng người Bh' noong!
 Cô gái Bh' noong vùng Phước Mỹ nâng bát rượu, đốt lửa trong lời, miệng như đóa hoa, cười nghiêng bóng núi.
- Ôi, chê chê ơi, say để biết lòng em thì anh chẳng còn biết nổi lối về đâu!
Những tiếng cười vang vang, rung cả cột nhà, chiêng ché; rung cả bếp lủa, nghiêng cả bóng núi Đăcmun, nghiêng cả cầu Kàtôi; nghiêng cả bầu ngực căng tròn như nụ trăng mười sáu... Tiếng cười ấy còn ngân mãi đến tận phố xá thị thành của ngày xa núi.
 Chợt chạnh nhớ câu thơ thuở nào về xứ núi mù sương; rằng: "Khi vui, ngắm núi làm vui, khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn”. Một thời, câu thơ được xem như định mệnh vận chặt vào số kiếp của những người sống  ở vùng thừa thãi tiếng chim ngân vượn hú mà quá thiếu muối cơm. Cuộc sống du canh du cư đẩy người dân vào đường đói khổ.
Trong ký ức một thời của nhiều người, Phước Sơn hiện lên với sự tiêu điều, nghèo nàn. Những ngôi nhà nhỏ lụp xụp mà vẫn quá rộng bởi những khoảng trống thênh thang không được ghế bàn, giường chiếu trải đầy; những đứa trẻ xanh xao, những khu vườn cằn cỗi như một tiếng thở dài hoang hút...
Cuộc sống nay đã đổi thay nhiều! Với sự giúp đỡ của Nhà  nước, người dân không còn nay đây mai đó nữa. Mười năm qua, hơn 11 nghìn hộ dân từ Phước Công, Phước Chánh đến Phước Mỹ, Phước Thành đã định canh, định cư. Những ngôi nhà kiên cố và đầm ấm đã giữ chân họ lại cùng những ruộng lúa nương ngô. Diện tích, sản lượng lúa nước hàng năm tăng đều từ 225ha lên 359ha, và nay là 432ha. Đàn gia súc của huyện đã lên 11.415 con. Định canh định cư đã đem lại cho người dân nơi ăn chốn ở, có đất đai sản xuất, được chăm sóc sức khỏe và con cháu được học tập cái chữ để nên người. Hiện nay 11/11 xã đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, 65/65 thôn có y tế thôn bản, 61/65 thôn đăng ký thôn văn hóa.
Ngồi bên chén rượu sóng sánh, nhìn con trăng lặng lẽ sáng giữa trời, già làng và những cán bộ ở đây kể cho chúng tôi nghe về hành trình của chính người dân Phước Sơn vượt sóng gió của đói khổ và những tập tục lạc hậu, cùng chính quyền quyết tâm thay đổi đời mình. Con đường cấp phối từ Khâm Đức tìm đến tận xã Phước Chánh; những cầu treo vươn mình qua sông suối; "cái điện" bừng sáng vùng Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công, đưa nguồn sáng về 10/11 xã... Những câu chuyện như gần, như xa, như hư như thực, cùng tiếng suối róc rách, mãi cho đến khi con trăng muốn ngủ, nghiêng dần về phía núi bên kia.
Trăng đi ngủ mà người thao thức mãi. Những đổi thay của Phước Sơn là dễ nhận thấy, nhưng vẫn còn đó nhiều điều trăn trở đáng để nghĩ suy. Một bộ phận dân cư còn quen nếp sống lạc hậu, thờ ơ với cuộc sống mới, chưa nhiệt tình lao động, trình độ dân trí thấp. Rải rác bên núi còn những mái nhà tranh tre dột nát liêu xiêu, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn quá cao (khoảng 50%), những nghề truyền thống đang bị mai một, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đẹp bị lãng quên giữa đại ngàn mây gió...
Vâng, vẫn còn nhiều gian khổ, núi ơi!
Phút chia tay, những chén rượu không đựng trong ché, và ánh mắt các cô gái vùng cao đã kịp thả bùa mê vào lòng người đi. Xuống núi bằng những bước chân chếnh choáng mộng du. Tạm biệt xứ núi Phước Sơn! Tạm biệt!
Và niềm tin của ngày gặp lại là chút ngọt ngào cho cả kẻ ở người đi, để những bước chân bớt phần lưu luyến.

 

Tác giả bài viết: ĐOÀN TRIỆU LONG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

DU LICH
Văn bản mới

3577 /QĐ-UBND

Quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1347 | lượt tải:343

quy chế 17

QUY CHẾ Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 12/06/2018

lượt xem: 1487 | lượt tải:349

17 /2015/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1658 | lượt tải:372

39 /2014/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công, quy định mức ngân sách hỗ trợ và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1471 | lượt tải:339

38 /2014/QĐ-UBND

Quy định danh mục nghề và định mức kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1582 | lượt tải:376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây