Từ tài nguyên du lịch phong phú
Huyện Phước Sơn sở hữu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa – lịch sử đa dạng, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của đại ngàn với những cánh rừng nguyên sinh, thác nước, các di tích lịch sử và đời sống văn hóa độc đáo đang chờ bước chân du khách đến chiêm ngưỡng, khám phá. Sau một chặng dài rong ruổi khám phá Trường Sơn, du khách có thể dừng chân ở thị trấn Khâm Đức để nghỉ ngơi, khám phá thêm những thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, không gian văn hóa phi vật thể của vùng cao. Những giá trị văn hóa phong phú của các dân tộc anh em sinh sống nơi này như Bh’noong, Ca Dong, Tày, Nùng, Sán Dìu… sẽ được du khách khám phá từ các nhà làng truyền thống . Tại đây, đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào thường tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống như lễ “Chọc đất làm nhà”, “Cầu xin Thần Đất, Thần Sông, Thần Núi”, “Mừng lúa mới”. Đặc biệt, người Bh’noong vẫn bảo tồn và trình diễn phương pháp thủ công các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát, rèn… Những “vỉa tầng” văn hóa ấy được kết tinh qua phong tục tập quán, dần thích nghi trong quá trình sống gắn bó với vùng cao sẽ làm du khách thích thú. Phước Sơn còn được thiên nhiên ưu đãi với các thắng cảnh đẹp. Đèo Lò Xo nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh với chiều dài 10 km đường quanh co uốn lượn, phía dưới là con suối Đắc Chè với khu rừng già nguyên sinh. Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn. Đến đây, du khách còn được chiêm ngưỡng thác Nước và những cảnh đẹp núi rừng dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ngoài ra, Phước Sơn còn có nhiều thắng cảnh khác như suối Nước Lang, suối Đắc Gà với ngọn thác nhỏ đổ xuống những tảng đá xếp kề lên nhau, hồ Mùa Thu phẳng lặng hiền hòa, hay đinh núi Xuân Mãi có độ cao 1.863 m quanh năm mây phủ. Du khách còn được tìm hiểu, tham quan những “địa chỉ đỏ” một thời hào hùng cách mạng của vùng thủ phủ phía Tây trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Các điểm đến như sân bay Khâm Đức, chiến tháng Khâm Đức, cứ điểm Ngok Ta Vat, đồi E… còn đó nhiều dấu tích chiến tranh sẽ phù hợp với loại hình du lịch thăm lại chiến trường xưa, về nguồn…
Đến hướng đi phát triển du lịch
Thực tế những năm gần đây, nhiều du khách (chủ yếu là khách quốc tế) đi du lịch bằng xe máy dọc theo đường Hồ Chí Minh, thường không theo một tour cố định với lịch trình cụ thể mà do sự ngẫu hứng của du khách. Với ví trí địa lý đặc biệt, Phước Sơn là điểm trung gian của tuyến đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ các trung tâm du lịch như Hội An, Đà Nẵng lên để du khách tiếp tục đi vô tỉnh Tây Nguyên hay phía Bắc Trung bộ. Vì vậy, tại huyện Phước Sơn có nhiều du khách đến tham quan, lưu trú. Hiện nay, cơ sở lưu trú tập trung chủ yếu là tại thị trấn Khâm Đức và các điểm dọc trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Toàn huyện có 03 khách sạn với 235 phòng nghỉ, trong đó khách sạn Bé Châu Giang có chất lượng hàng đầu, kèm theo hệ thống nhà hàng, quán cafe, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hệ thống các nhà khách Xuân Mãi, Phước Sơn, Thanh Bình, Phước Minh… Các tuyến giao thông được nâng cấp, mạng lưới bưu chính, viễn thông, thông tin liên lạc phát triển khá mạnh mở ra cơ hội thu hút du khách đến với Phước Sơn. Điểm đến của du khách tập trung ở các thắng cảnh thiên nhiên như hồ Mùa Thu, đào Lò Xo, suối Nước Lang, Đắc Gà, thác Nước… và lượng khách lưu trú, ăn uống chủ yếu ở khách sạn Bé Châu Giang… Hiện nay, huyện đã xây dựng và triển khai “Đề án phát triển du lịch giai đoạn từ năm 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Phước Sơn trở thành một điểm đến hấp dẫn, có sự khác biệt với các địa phương khác trên bản đồ du lịch của tỉnh, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch và thương mại. Theo đó, bước đầu huyện đã thực hiện việc quy hoạch, cắm mốc, bê tông hóa đường vào các điểm đến, kêu gọi thu hút đầu tư. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Một số tuor du lịch đang được tính toán hợp lý nhằm đưa du khách đến với Phước Sơn như “Về nguồn”, “Một ngày trải nghiệm Phước Sơn”, “Trèo núi” với các loại hình như du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, tìm hiểu lịch sử, khám phá văn hóa địa phương… Tại buổi làm việc gần đây của Sở VH,TT&DL với huyện, sau khi đoàn công tác của Sở và lãnh đạo địa phương đi khảo sát tiềm năng du lịch trên địa bàn, có nhiều vấn đề đặt ra về việc phát triển du lịch. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH,TT&DL cho rằng: “Ngoài tiềm năng, huyện cần có ba yếu tố là kêu gọi đầu tư, quản lý Nhà nước chặt chẽ trên lĩnh vực du lịch và nguồn nhân lực để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần chú trọng để bài toán hài hòa giữa bảo tồn và phát huy, tránh những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân, ô nhiễm văn hóa địa phương, ô nhiễm thiên nhiên và phá vỡ hệ thống cộng đồng”. Hiện nay, huyện Phước Sơn đang có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đến hợp tác với địa phương để đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến trên địa bàn huyện. Đồng thời, địa phương còn mở các lớp tập huấn cho người dân về du lịch cộng đồng, rà soát lại Vì vậy, huyện Phước Sơn phải tính toán đến vấn đề nguồn nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn quản lý, quảng bá xúc tiến du lịch cũng như các kỹ năng khác để nâng cao thương hiệu du lịch Phước Sơn trong thời gian đến. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND UBND huyên cho biết: “Hiện nay, huyện đang tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, bố trí ngân sách, lồng ghép với các chương trình dự án, tranh thủ các nguồn vốn để ưu tiên xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng tại các nơi có tiềm năng phát triển du lịch…”
Tác giả bài viết: Mộng Thu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn