Quảng Nam phát triển kinh tế miền núi

Thứ hai - 28/05/2018 03:30
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, Quảng Nam đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở các huyện miền núi. Qua đó, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể: Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư xây dựng, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện.
Cây cao-su góp phần giúp người dân Quảng Nam xóa đói, giảm nghèo.
 

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế ở miền núi chưa thật bền vững, còn nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải có tầm nhìn xa hơn trong đầu tư, phát triển...

Kết quả bước đầu...

Ấn tượng sâu sắc đối với chúng tôi khi trở lại các huyện miền núi Quảng Nam trong những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, là hệ thống đường giao thông từ quốc lộ 1A ngược lên trung tâm các huyện miền núi cao như: Nam Giang, Phước Sơn, Ðông Giang, Tây Giang, rồi Nam Trà My... đã được đầu tư nâng cấp và thảm nhựa. Dọc hai bên đường,  nhiều điểm tái định cư quy mô từ vài chục đến cả trăm hộ dân đang sinh sống. Bây giờ, dọc tuyến đường đi qua các thị trấn: Prao (Ðông Giang), Thạnh Mỹ (Nam Giang), Phước Sơn, Trà My... nhà cửa mọc lên san sát. Nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố sừng sững giữa đồi núi và những khu hành chính, trường học, bệnh viện... được đầu tư xây dựng khang trang, tạo nên một quang cảnh, sắc màu mới trông thật ấm no, yên bình.

Tuyến đường từ ngã tư Túy Loan (Ðà Nẵng) ngược lên thị trấn Prao, giờ đây xe chạy êm ru. Nhìn tuyến đường tráng nhựa phẳng lỳ và các loại xe lăn bánh ngược - xuôi, khó ai hình dung được 10 năm trước, tuyến đường huyết mạch này đầy "ổ gà", "ổ trâu"; có đoạn lởm chởm "đá toàn đá", mỗi lần qua đây, xe ô-tô cứ lắc lư và nhảy chồm chồm. Nhớ hồi đó, đường lên các huyện miền núi Quảng Nam rất khó đi. Có lần, Ðoàn công tác của tỉnh khởi hành tại Tam Kỳ từ lúc 5 giờ sáng, mãi 11 giờ trưa mới tới được thị trấn Prao, làm việc khoảng một tiếng đồng hồ quay về lại Tam Kỳ trời đã lặn xuống đỉnh núi từ lâu. Ðó là đi trong mùa nắng, còn mùa mưa thì không thể tính được thời gian, vì có khi tắc đường phải nằm lại giữa rừng. Hồi đó, đến mùa mưa chuyện sạt lở núi, tắc đường là "chuyện thường ngày ở huyện". Mà tắc đường là bị cách trở, cô lập, dân thiếu lương thực, thực phẩm. Cán bộ tỉnh không xuống huyện được, còn cán bộ huyện mỗi lần xuống xã chỉ có cách duy nhất xắn quần, lội bộ năm, bảy ngày đường...

Ðường lên miền núi giờ đây thuận lợi hơn nhiều, phần lớn các xã ở miền núi đã có đường cho xe ô-tô đến tận trung tâm xã. Hệ thống "điện, đường, trường, trạm" ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, phục vụ cho việc sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khi đề cập về những kết quả đạt được trong phát triển miền núi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Quảng Nam Trần Văn Tri đúc kết: Tình hình KT-XH trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam đã có những bước đổi thay đáng ghi nhận. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được xây dựng; trong đó, các công trình giao thông, thủy lợi, điện... đã phát huy hiệu quả thiết thực; bước đầu đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tiếp thu được các kiến thức khoa học, thay đổi nền nếp sinh hoạt và biết tổ chức lại sản xuất; khắc phục được tình trạng phá rừng làm rẫy và các tập tục lạc hậu; đồng thời biết đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất.

Có thể thấy rằng, thời gian qua, hầu hết các huyện đã bắt tay vào công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế ở địa phương. Ðiều thể hiện rõ nét nhất là, giá trị xuất khẩu của các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ở các huyện miền núi đều tăng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011, đạt 6,26 triệu đồng/người/năm, tăng 2,2 lần so với năm 2006; lương thực bình quân đầu người từ 234 kg (năm 2006) tăng lên 268,2 kg (năm 2011); tỷ lệ diện tích lúa nước tưới tiêu chủ động nâng từ 27% lên 64,11%; tỷ lệ thôn có đường giao thông cho xe cơ giới từ 44,6% lên 59,8% (năm 2011). Tỷ lệ học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường tăng lên rõ rệt. Ðến nay, đã có hơn 90% số hộ sử dụng điện; 83,8% sử dụng nước sạch và gần 20% số xã có chợ... Tính sơ bộ, từ năm 2006 - 2012, ngân sách Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình dự án đã đầu tư cho miền núi gần tám nghìn tỷ đồng...

Những vấn đề đặt ra

Trao đổi ý kiến với chúng tôi,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, thừa nhận: Trong quá trình phát triển KT-XH miền núi Quảng Nam còn bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ; công tác quản lý đầu tư xây dựng thiếu chặt chẽ, việc đầu tư còn dàn trải. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Nhiều dự án, công trình "đầu tư cao, hiệu quả thấp"; thậm chí nhiều công trình nước sạch xây dựng ở các huyện: Ðông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My... không phát huy được tác dụng. Mặt khác, tốc độ phát triển kinh tế ở các huyện miền núi còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao, nguy cơ tái nghèo rất lớn. Ðến nay, tỷ lệ nghèo ở các huyện miền núi còn đến 58,3%. Nhiều địa phương tỷ lệ rất cao như: Nam Trà My (84,8%), Nam Giang (72,1%), Tây Giang (69,7%)... Hệ thống kết cấu hạ tầng, tuy được đầu tư xây dựng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT- XH; vẫn còn một số xã chưa có đường ô-tô và chưa có điện thắp sáng.

Bí thư Huyện ủy Nam Giang Chơ Rum Nhiên bộc bạch: Trên địa bàn còn nhiều tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng, nên mỗi khi đến mùa mưa việc đi lại rất vất vả, hiện còn đến năm xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm. Riêng xã Chơ Chun còn khó khăn lắm. Mỗi lần cán bộ huyện xuống tiếp xúc, dân đều đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã qua đây, nhưng vì ngân sách địa phương có hạn, nên đành "bó tay". Mới đây, tại Kỳ họp HÐND tỉnh, một số ý kiến đã đề cập đến sự khó khăn trăm bề của xã miền núi Chơ Chun, với hy vọng mong Nhà nước sớm đầu tư xóa được năm cái không. Ðó là, "Không đường, không trường, không trạm y tế, không điện và không thông tin - liên lạc", nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời của các cơ quan chức năng... Và cũng không riêng gì ở huyện Nam Giang, mới đây, trở lại các huyện miền núi cao, chúng tôi chứng kiến các tuyến đường từ: xã Ga Ry đi A Xan, Tr’Hy đi Ch’Ơm (huyện Tây Giang); rồi từ xã Trà Linh đi Trà Cang (huyện Nam Trà My) bị xuống cấp nghiêm trọng và đang thi công dở dang vì thiếu vốn...

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Trước hết tỉnh đã chỉ  đạo các cơ quan liên quan cùng với các địa phương sớm hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch về phát triển KT- XH miền núi. Trong đó, chú ý đến việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch thủy điện, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn; đồng thời nghiên cứu lập quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn theo vùng lãnh thổ, quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung; ưu tiên quy hoạch ba loại rừng và quy hoạch sắp xếp dân cư gắn quy hoạch đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế nhằm đạt mục tiêu vừa phát triển KT-XH với quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sắp đến, ngoài việc thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách của Nhà nước, tỉnh sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lồng ghép các dự án và chương trình giảm nghèo vào kế hoạch đầu tư phát triển chung của địa phương nhằm hạn chế việc phân tán nguồn lực, chồng chéo trong quản lý và tạo sự chủ động cho các huyện.

Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nâng cao dân trí, hỗ trợ sản xuất và giảm nghèo ở khu vực miền núi. Mới đây, HÐND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về Chương trình tổng thể phát triển KT-XH miền núi giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, để đến năm 2016 đạt mục tiêu giảm hộ nghèo ở miền núi xuống còn 36% và thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng/năm, hằng năm, tỉnh sẽ cân đối từ: nguồn tăng thu, vượt thu Ngân sách Nhà nước, nguồn thu cấp quyền sử dụng đất và các nguồn thu khác trên địa bàn, với mức tối thiểu 15 tỷ đồng/huyện/năm để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các huyện có tỷ lệ nghèo hơn 50%, nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ cho các huyện nghèo theo Nghị định 30a của Chính phủ. Ðồng thời huy động thêm các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước để xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình trường học, y tế, giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương... Ðặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về: phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và phát triển mạnh lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... một cách hài hòa, bền vững.

 

Tác giả bài viết: TẤN NGUYÊN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết web
NONG THON MOI 
lk1 
LUAT 
THUE 
CSDL luat 
BUU DIEN 
Untitled 
Untitled 
công thuong
 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

DU LICH
Văn bản mới

3577 /QĐ-UBND

Quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 976 | lượt tải:295

quy chế 17

QUY CHẾ Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 12/06/2018

lượt xem: 1016 | lượt tải:304

17 /2015/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1128 | lượt tải:329

39 /2014/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công, quy định mức ngân sách hỗ trợ và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1014 | lượt tải:290

38 /2014/QĐ-UBND

Quy định danh mục nghề và định mức kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Thời gian đăng: 11/06/2018

lượt xem: 1076 | lượt tải:329
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây