40 năm sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Phước Sơn bắt tay xây dựng lại quê hương trong bối cảnh hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, cuộc sống của đồng bào còn du canh, du cư, trình độ sản xuất lạc hậu, cuộc chiến chống lại đói nghèo, mù chữ, bệnh tật, chống âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng là cuộc chiến không kém phần cam go, thử thách. Song, với truyền thống đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân trong huyện tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, lao động cần cù sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân, từng bước ổn định định canh - đinh cư; khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, phát triển chăn nuôi; xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tập trung phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Xác định phát triển kinh tế “Lâm, nông nghiệp” có vai trò quan trọng nhằm phát huy lợi thế của huyện với diện tích rừng sản xuất khá lớn, phù hợp phát triển cây nguyên liệu; cùng với đó hệ thống sông, suối phân bố khá đều tạo thuận cho xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phát triển diện tích lúa nước. Mặc dù diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp không nhiều, khoảng hơn 2.850 ha nhưng nông nghiệp vẫn được coi là mặt trận hàng đầu, để giữ vững ổn định an ninh lương thực trên địa bàn của huyện nhất là đối với các xã vùng cao. Do có sự đầu tư, thâm canh nên năng suất, sản lượng lương thực được nâng lên; mỗi năm khai hoang thêm từ 10-12 ha ruộng lúa nước, đưa diện tích gieo trồng lúa nước toàn huyện lên 805 ha; nhiều công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước. Các mô hình chăn nuôi như phát triển đàn bò lai sind, heo đen, dê, gà đồi... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, tổng đàn gia súc 16.854 con; tổng đàn gia cầm 49.100 con. Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số mô hình kinh tế trang trại, hộ nông dân sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Ngành lâm nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý, tái sinh rừng, gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng nên bước đầu huyện đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng chặt phá rừng già để làm rẫy. Thông qua công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, nhiều mô hình kinh tế vườn rừng, vườn đồi được hình thành theo hướng xã hội hóa lâm nghiệp. Với công tác trồng rừng, huyện ưu tiên phát triển các loại cây chiến lược, phù hợp với thổ nhưỡng của huyện như cây quế, cây cao su, cây keo... góp phần nâng cao tốc độ che phủ rừng lên 62,5%. Đến nay, đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, có quy mô, mang tính hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Trồng cây keo lai, sắn ở các xã vùng trung, vùng thấp; cây Bời Lời ở các xã Phước Năng, Phước Mỹ và một số xã vùng cao; cao su tại các xã Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Hòa,...Cây keo lai đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm khai thác trên 25.000 m3 gỗ rừng trồng, tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp từ 15 – 20 tỷ đồng. Cùng với cây keo, Chương trình phát triển cây cao su cũng đã và đang trở thành hướng đi đột phá trong phát triển Nông - Lâm nghiệp của huyện. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn huyện đã có 02 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam vào đầu tư với tổng diện tích cây cao su trên địa bàn huyện trên 600 ha; do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên số diện tích cao su hiện có đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cây cao su đang được đánh giá là cây công nghiệp mũi nhọn và có nhiều triển vọng để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa trong những năm tới của huyện. Việc đưa vào trồng cây cao su không chỉ tận dụng được những diện tích đất trống, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm, thay đổi tập quán canh tác cho nhân dân các dân tộc trong vùng dự án.
Tiềm năng phát triển công nghiệp: Phước Sơn có nhiều tài nguyên khoáng sản quí hiếm và nguồn thuỷ năng dồi dào để phát triển công nghiệp,... Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp khai khoáng của huyện phát triển mạnh trong thời gian đến. Về thủy điện, trên địa bàn huyện có 04 công trình thủy điện được quy hoạch là ĐăkMi 2; ĐăkMi 3; ĐăMi 4 và ĐăkSa với công suất 380 MW; đến nay Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 hoàn thành (năm 2012) đưa vào vận hành với công suất 208 MW, sản lượng sản xuất điện trung bình đạt trên 700 triệu KWh, đã nộp ngân sách cho Nhà nước bình quân 80 tỷ đồng/năm; 03 công trình thủy điện còn lại đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Về khoáng sản vàng: Trên địa bàn huyện Phước Sơn hiện có 13 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là Công ty TNHH Vàng Phước Sơn hàng năm nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong số thu của huyện, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động (Trong đó có 420 lao động của huyện Phước Sơn) và có tác động tích cực đến KT-XH của địa phương. Từ nguồn thu phát sinh khá lớn từ thủy điện, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản…, ngân sách huyện đã chủ động bố trí chi đảm bảo được các nhu cầu hoạt động thường xuyên của huyện. Ngoài ra, ưu tiên dành một phần ngân sách để đầu tư phát triển, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh.
Hoạt động thương mại – dịch vụ của huyện Phước Sơn phát triển mạnh góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, công nghiệp với các ngành, nghề chủ yếu như kinh doanh xăng dầu, lương thực, dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, bưu chính – viễn thông… Doanh thu từ lĩnh vực này chiếm khoảng 40% GRP của huyện, tập trung chủ yếu ở thị trấn Khâm Đức và một số xã dọc đường Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Phước Sơn có tiềm năng đáng kể về phát triển du lịch. Là địa phương có 2 tuyến quốc lộ đi qua. Đường Hồ Chí Minh qua huyện dài gần 60 km, Quốc lộ 14 E qua huyện dài 27 km. Thị trấn Khâm Đức, huyện lỵ của huyện Phước Sơn nằm ở vị trí trung tâm từ các tỉnh Bắc Tây Nguyên đi các thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ. Trên địa bàn huyện Phước Sơn có nhiều di tích lịch sử như di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại, di tích đường Đông Trường Sơn, chiến thắng Khâm Đức, Ngok Ta Vát… Cùng với các di tích lịch sử, các hoạt động lễ hội cồng chiêng, đâm trâu của người dân bản địa, các thắng cảnh thiên nhiên như các rừng nguyên sinh, Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, thác Nước, Hồ Thủy điện ĐăkMi và các điều kiện phục vụ dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng sẽ mở ra hướng phát triển du lịch trong tương lai.
Để tạo điều kiện cho nền kinh tế địa phương phát triển bền vững, thì ngoài việc đầu tư phát triển mạnh nông – lâm nghiệp, giao đất, khoán bảo vệ rừng… để người dân có thu nhập và làm giàu từ rừng. Phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như: giao thông, điện, hệ thống thông tin, du lịch… lấy công tác định canh, định cư gắn với bảo vệ phát triển rừng, từng bước hình thành các vùng cây nguyên liệu tập trung như: cao su, cây nguyên liệu giấy... đẩy mạnh trồng màu như bắp, sắn, cây họ đậu; đồng thời khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 14-15%, tăng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ 14-15%. Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động. Trong những năm đến, huyện Phước Sơn sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và mở rộng các ngành nghề như xây dựng, khai thác khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp… đồng thời khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát mây tre,…
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, đặc biệt là lĩnh vực nông - lâm, khoáng sản, thủy điện cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời trên cơ sở những thành tựu đạt được, Phước Sơn đã và đang tạo dựng cho mình thế và lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện và bền vững, đưa Phước Sơn trở thành huyện vùng cao phát triển kinh tế năng động của tỉnh Quảng Nam trong tương lai.
Tác giả bài viết: Phan Châu Sơn – VP HĐND-UBND huyện Phước Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn